Điều dưỡng Phạm Thị Nga: Tình nguyện xuyên qua nhiều tâm dịch

Thứ hai - 18/10/2021 13:46

Tận tâm phục vụ, lấy nụ cười của người bệnh làm niềm vui, điều dưỡng Phạm Thị Nga (SN 1990), Khoa Ngoại - Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang) đã tình nguyện vào nhiều tâm dịch, hết lòng chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Thầm lặng hy sinh

Dịch bệnh diễn biến bất ngờ, giữa tháng 5/2021 bùng phát dữ dội ở nhiều khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Lúc này, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh nhanh chóng trở thành cơ sở thu dung chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong tình huống khẩn cấp, lại có chuyên môn sâu lĩnh vực hồi sức cấp cứu, điều dưỡng Phạm Thị Nga cùng nhiều nhân viên y tế xung phong làm việc tại khu điều trị cách ly.

20211015104913 5a1
Điều dưỡng Phạm Thị Nga

Công việc của chị liên tục phải nắm bắt, đánh giá tình hình sức khỏe của từng bệnh nhân. Chị đi lại như con thoi giữa các phòng bệnh hướng dẫn dùng thuốc, hỗ trợ ăn uống, vệ sinh, tắm giặt. Người bệnh ở đây chủ yếu có diễn biến nhẹ nhưng lúc nào cũng đông với khoảng 600-700 ca. Trường hợp nặng sẽ được chuyển lên trung tâm hồi sức tích cực (ICU). Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, sức khỏe bình thường, không mắc bệnh lý nền nhưng suy hô hấp nhanh nên cần sự theo dõi sát sao.

Mặc dù bệnh nhân nhiễm Covid-19 tử vong ở tỉnh Bắc Giang không nhiều nhưng khi chứng kiến người bệnh không thể thở được trước khi ra đi, chị có cảm giác hụt hẫng, trái tim như bị bóp nghẹt. Đứng trước lằn ranh của sự sinh tử, chị tự nhủ mình phải vững vàng hơn để làm chỗ dựa tinh thần giúp bệnh nhân vượt qua.

Dù chưa làm mẹ nhưng ở khu điều trị, chị đã chăm sóc 12 bệnh nhi nhiễm Covid-19, trong đó có cháu mới vài tháng tuổi. Do căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các em không có người thân đi cùng. Trong những ngày nằm viện, điều dưỡng Nga đã trở thành người mẹ thứ hai bế ẵm, dỗ dành, bón mớm cho từng em nhỏ.

Nhiều đêm liên tục, chị và đồng nghiệp không ngủ, ngồi theo dõi từng cơn sốt của trẻ để hạ nhiệt kịp thời. Ngoài việc chăm sóc, cận kề chia sẻ, ổn định tâm lý để người bệnh hợp tác điều trị, tranh thủ những buổi cuối ngày, chị Nga cùng đồng nghiệp còn cắt tóc, gội đầu cho bệnh nhân.

Suốt 43 ngày trong khu điều trị, mỗi ngày, chị chỉ được nghỉ 5-6 giờ nhưng nhiều khi vừa giao ca, có tình huống khẩn cấp lại vội vàng trở lại buồng bệnh trợ giúp đồng nghiệp.

Dịch bệnh ở Bắc Giang giảm dần nhưng lại bùng phát khốc liệt tại các tỉnh, thành phố miền Nam. Vừa ra khỏi nơi điều trị của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, chưa một ngày nghỉ ngơi, hôm sau, chị Nga lại tình nguyện cùng đoàn quân “áo trắng” tỉnh Bắc Giang lên đường vào tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ chống dịch.

Dấn thân vào vùng nguy hiểm

Rời sân bay, theo xe về Đồng Tháp, đường phố vắng tanh, chị tự cảm nhận được dịch bệnh ở mảnh đất này đang diễn biến phức tạp. Ngay trong đêm đặt chân đến miền đất phương Nam, chị được phân công làm nhiệm vụ ở tổ lấy mẫu. Khẩn trương, liên tục là yêu cầu đặt ra với chị và các thành viên trong đoàn khi lấy mẫu xét nghiệm tại TP Cao Lãnh và Sa Đéc.

Để thuận lợi, chị đã chia sẻ kinh nghiệm lấy mẫu xét nghiệm gộp khi cùng làm việc với cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và huyện Lấp Vò.

20211015104913 5a3 (1)
Chị Phạm Thị Nga lấy mẫu cho người dân TP Sa Đéc

Bên cạnh đó, chị cùng các thành viên trong đoàn tình nguyện hỗ trợ Bệnh viện dã chiến ở Trường Quân sự tỉnh (TP Sa Đéc), Bệnh viện Phục hồi chức năng (TP Cao Lãnh), khu thu dung tại ký túc xá Trường Cao đẳng Cộng đồng (TP Cao Lãnh) thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phân luồng bệnh nhân, bố trí vùng đệm cho nhân viên y tế, người bệnh nghỉ ngơi trước khi được ra khỏi khu điều trị.

Ghi nhận những cống hiến, hy sinh của cán bộ, nhân viên y tế, tháng 8/2021,chị Nga là một trong hai nhân viên y tế của tỉnh Bắc Giang vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Những ngày nắng lửa ở Đồng Tháp, đôi bàn chân không nghỉ của chị và các đồng nghiệp đã đi từng ngõ ngách để lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng. Mồ hôi lúc nào cũng túa ra đọng lại làm rộp rát nhiều chỗ trên cơ thể.

Làm việc trong thời gian dài có những lúc tưởng chừng như kiệt sức nhưng thấy đồng nghiệp đuối sức mọi người luôn sẵn sàng làm thay, động viên nhau cùng cố gắng. Hơn nữa đồng nghiệp và người dân nơi đây rất tin tưởng vào tay nghề của cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Bắc Giang. Vì thế, dù phía trước còn nhiều gian khó nhưng chị vẫn quyết tâm vượt qua.

Chị và các thành viên trong đoàn tình nguyện luôn mong ước cuộc sống sẽ bình yên trở lại cho những vùng dịch mà mình đã xuyên qua. Niềm vui đến khi tỉnh Đồng Tháp từng bước kiềm chế, kiểm soát được tình hình dịch bệnh, trung tuần tháng 8/2021, chị và mọi người đều khỏe mạnh, an toàn trở về Bắc Giang.

Sau 14 ngày cách ly tập trung tại Khách sạn Bắc Giang, ngày đầu tiên trở lại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh làm việc, chị Nga nhận được thông tin Sở Y tế khẩn cấp kêu gọi số lượng lớn (806 nhân viên y tế) tiếp tục lên đường hỗ trợ TP Hà Nội. Không một chút đắn đo, một lần nữa chị xông pha vào tâm dịch.

Thời điểm đó, Hà Nội đang phát sinh nhiều ổ dịch cộng đồng. Để giúp Thủ đô kiểm soát dịch hiệu quả, điều dưỡng Nga đã góp một phần công sức vào việc xuyên đêm thần tốc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở 14 phường của quận Long Biên. Công đoạn lấy mẫu được xác định là một trong những việc làm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Đặc biệt là ở các vùng dịch đang có chuỗi phát tán mầm bệnh trong cộng đồng.

Làm việc trong môi trường phơi nhiễm cao, khi nghe tin ở "vùng lõi" của dịch bệnh nhiều nhân viên y tế trở thành F0, chị Nga và đồng nghiệp đều tự nhủ phải cẩn thận, nỗ lực hơn nữa bảo vệ mình, cứu sống bệnh nhân, đẩy lùi dịch bệnh.

Liên tục từ tháng 5 đến nay, cứ 3-5 ngày, những người làm nhiệm vụ trong vùng nguy hiểm như chị Nga lại được lấy mẫu xét nghiệm. Dù đã lấy mẫu cả mấy chục lần nhưng lần nào chị cũng lo lắng, mong ngóng đến khi trả kết quả âm tính mới thở phào.

Trách nhiệm, san sẻ cùng đồng nghiệp

Khi được hỏi vì sao tâm dịch nào cũng xung phong, chị Nga chia sẻ: “Ở Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đa phần là các y, bác sĩ trẻ đang có con nhỏ, mọi người cũng hy sinh rất nhiều để lên đường chống dịch. Thường thì mỗi người sẽ xung phong vào "điểm nóng" một lần nhưng mình độc thân, chưa vướng bận gia đình, san sẻ với đồng nghiệp một chút. Biết là đi vào vùng trọng điểm của dịch bệnh vô cùng nguy hiểm nhưng với chuyên môn và kinh nghiệm trực tiếp điều trị cho bệnh nhân tại Bắc Giang đợt dịch vừa qua, tôi quyết tâm lên đường”.

Đến nay, các vùng dịch từng bước giảm dần “sức nóng”, chị Nga trở về với công việc thường nhật tại Khoa Ngoại - Hồi sức tích cực. Chị lại miệt mài chăm sóc bệnh nhân nặng trong căn phòng đặc quánh mùi hóa chất khử trùng, chỉ có tiếng tít tít phát ra từ hệ thống monitor (theo dõi nhịp tim, huyết áp…) và những bước chân vội vã của y, bác sĩ. Trắng đêm là công việc thường nhật của điều dưỡng hồi sức bởi tất cả bệnh nhân được chuyển đến đây đều là những ca nặng, nguy cơ tử vong cao. Công việc đòi hỏi nhân viên y tế đối diện với áp lực lớn khi phải liên tục theo dõi, xử trí kịp thời các trường hợp khẩn cấp, nhanh chóng đưa ra phương án điều trị tối ưu theo từng diễn tiến, tình trạng của ca bệnh.

Công việc vất vả, áp lực, thường xuyên đối mặt với nguy hiểm thế nhưng chị Nga luôn tự hào được khoác trên mình chiếc áo blu và mang theo lời thề “Hypocrat” tận tụy chăm sóc bệnh nhân. “Bởi với chúng tôi điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống là làm hết sức mình, dốc lòng cứu sống những ca bệnh nguy kịch”- chị nói.

Ngày qua ngày cuốn vào công việc, thậm chí từ tháng 5 đến nay, chị mới về nhà 1 lần sau những ngày tháng dài xuyên qua các “vùng lõi” dịch bệnh ở Bắc Giang, Đồng Tháp, Hà Nội. Mặc dù lo lắng nhưng bố mẹ vẫn luôn động viên chị Nga cố gắng tự bảo vệ mình, mang y đức phục vụ nhân dân.

Mỗi ca bệnh được cứu sống, chị không những hoàn thành trách nhiệm của thầy thuốc mà còn làm hồi sinh những cuộc đời. Niềm mong mỏi lớn nhất của chị Nga cũng như mọi người lúc này là chiến thắng được dịch bệnh, cuộc sống bình yên trở lại.

Nguồn tin: baobacgiang.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ẢNH HOẠT ĐỘNG
8-3-4.jpg 8-3-8.jpg 8-3-5.jpg 8-3-9.jpg 8-3-1.jpg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay2,273
  • Tháng hiện tại48,375
  • Tổng lượt truy cập4,915,368
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây